Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

THỰC TRẠNG RÁC THẢI SINH HOẠT TẠI VIỆT NAM

Sự phát triển kinh tế cùng với sự gia tăng dân số không ngừng đã khiến cho rác thải sinh hoạt tại Việt Nam tăng không ngừng so với các nước trên thế giới. Đời sống con người ngày càng được nâng cao, không chỉ gia tăng về số lượng mà thành phần rác thải sinh hoạt cũng tăng theo, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Chất thải rắn sinh hoạt là chất thải phát sinh từ hoạt động ăn uống, sinh hoạt..thường ngày của con người. Về cơ bản, thành phần của chất thải rắn sinh hoạt bao gồm các chất vô cơ (thủy tinh, kim loại, giấy, cao su…) và các chất hữu cơ (thực phẩm thừa, xác động thực vật,..) và các chất khác. Hiện nay, túi nilong đang nổi lên như một vấn đề đo ngại trong quản lý chất thải rắn do thói quen sinh hoạt của người dân.

Tình hình phát sinh chất thải rắn sinh hoạt

Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 – 2015, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong giai đoạn 2011 – 2015 tiếp tục gia tăng và có xu hướng tăng nhanh so với giai đoạn 2005 – 2010. Theo số liệu thống kê được trong các năm 2007 đến 2010, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị  phát sinh trên toàn quốc là 17.682 tấn/ngày (năm 2007), 26.224 tấn/ngày (năm 2010), tăng trung bình 10% mỗi năm. Đến năm 2014, khối lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 32.000 tấn/ngày. Chỉ tính riêng tại Hà Nội và TP.HCM, khối lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh là 6.420 tấn/ngày và 6.739 tấn/ngày. Theo tính toán mức gia tăng của giai đoạn từ 2010 – 2014 đạt trung bình 12% mỗi năm.




CTR sinh hoạt đô thị phát sinh chủ yếu từ các hộ gia đình, các khu vực công cộng (đường phố, chợ, các trung tâm thương mại, văn phòng, các cơ sở nghiên cứu, trường học…). CTR sinh hoạt đô thị có tỷ lệ hữu cơ vào khoảng 54 – 77%, chất thải có thể tái chế (thành phần nhựa và kim loại) chiếm khoảng 8  – 18%.

Thực trạng thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam

Phương pháp xử lý chất thải rắn chính hiện nay của nước ta là chôn lấp, với kỹ thuật đơn giản. Thực tế cho thấy, các phương pháp xử lý rác thải tại nước ngoài áp dụng cho nước ta đều không hiệu quả do đặc thù rác thải chưa được phân loại tại nguồn. Hiện nay lượng rác ở đô thị được đưa đến bãi chôn lấp tập trung chỉ chiếm 60 – 65% , lượng rác còn  lại được vứt ở ao hồ, kênh rạch, ven đường.
Thực tế, tình hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt có nhiều bước tiến, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của CTR sinh hoạt.

Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt khu vực nội thành của TP.HCM đạt tỷ lệ 100% (trong đó tỷ lệ trực tiếp từ các hộ dân trong nội thành khoảng 95%, khoảng 5% còn lại các hộ dân không chuyển giao trực tiếp mà để rác dọc theo tuyến đường, các thùng rác công cộng, vớt rác trên kênh. Còn lại khu vực ngoại thành, tỷ lệ thu gom trực tiếp từ các họ dân khoảng 70 – 80%, do khu vực ngoại thành còn nhiều đất trống như ao, vườn, nên một bộ phận không nhỏ người dân khu vực ngoại thành tự xử lý hoặc vứt ra đất trống. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn còn thấp, trung bình đạt 40-55% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Tại các đô thị, việc thu gom rác thải sinh hoạt thường do Công ty môi trường đô thị thực hiện.

Phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay gồm chôn lấp, sản xuất phân hữu cơ và đốt.

Cả nước hiện có gần 100 bãi chôn lấp chất thải rắn, tuy nhiên chỉ có 20 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh có thể gây ra ô nhiễm môi trường đất, không khí và đặc biệt là nước thải rỉ rác từ các bãi chôn lấp. Trong khi ở các nước tiên tiến, với công nghệ kỹ thuật hiện đại, họ xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách ủ phân compost, không chỉ giải quyết được vấn đề rác thải mà còn đem lại lợi ích kinh tế. Hiện  nay, việc khống chế mùi hôi tại các bãi chôn lấp được thực hiện bằng việc phun các chế phẩm sinh học và được thực hiện thủ công, điều này có thể gây nguy hiểm cho công nhân.
Bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt
Ở nước ta, phương pháp đốt thường được ứng dụng trong xử lý rác thải nguy hại, chủ yếu là chất thải y tế.  CTR sinh hoạt thường chứa độ ẩm cao do đó phương pháp đốt không hiệu quả. Mặt khác, việc đầu tư một lò đốt công nghiệp thường yêu cầu kinh phí khá lớn. Công nghệ đốt nếu vận hành không đúng kỹ thuật sẽ sinh ra các chất làm ô nhiễm không khí, do đó cũng cần có hệ thống xử lý khí thải khi áp dụng phương pháp đột.
Phương pháp sản xuất phân hữu không phổ biến và chỉ giải quyết được một lượng nhỏ rác thải sinh hoạt. Việc đầu tư dây chuyền công nghệ để sản xuất phân hữu cơ cũng khá tốn kém. Mặt khác, việc sử dụng phân hữu cơ trong nông nghiệp chưa được phổ biến rộng rãi, vì thế nguồn cung không lớn. Nếu phân hữu cơ không có ưu điểm vượt trội thì rất khó cạnh tranh với các loại phân bón truyền thống.
Trước tình hình này, vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp là một nhiệm vụ quan trọng đối với các nhà khoa học, các cấp chính quyền. Làm thế nào để lựa chọn được phương pháp xử lý phù hợp với tính chất rác thải cũng như điều kiện kinh tế nước ta đang là một câu hỏi khó.

Quản lý và thu gom chất thải rắn ở một số nước tiên tiến

Ở nhiều quốc gia Châu Âu và một số nước tiên tiến Châu Á đã quản lý chất thải rắn thông qua hoạt động phân loại nguồn, mang lại hiệu quả xử lý cao, đem lại lợi ích cao về kinh tế và môi trường. Tại các nước như Đan Mạch, Anh, Hà Lan, Đức… việc phân loại rác thải tại nguồn được quản lý chặt chẽ và nền nếp.
Đối với các chất rắn tái chế được như thủy tinh, giấy, bao bì hộp…được thu gom vào các thùng chứa riêng biệt. Với các thải hữu cơ như thực phẩm thừa, rau củ…được phân loại trong những túi hoặc thùng riêng biệt để đưa đến các nhà máy sản xuất phân compost. Thông thường, rác thải từng loại được chứa trong các thùng riêng biệt với màu sắc khác nhau để dễ phân biệt. Đơn cử như Singapore là đô thị hóa 100% và là đô thị sạch nhất trên thế giới. Để có được như vậy, chính phủ nước này đã quản lý chặt chẽ công tác thu gom và xử lý chất thải rắn, ban hành pháp luật nghiêm khắc làm tiền đề cho quá trình xử lý tốt hơn. Nhìn chung, chiến lược xử lý CTR sinh hoạt của các nước tiên tiến là hạn chế chôn lấp, xử lý theo hướng tái chế, tái sử dụng, tiết kiệm năng lượng, phát triển công nghiệp tái chế chất thải.

Xử lý rác thải trong gia đình

Cách tốt nhất để xử lý rác thải là hạn chế việc xả rác. Chúng ta hãy hạn chế trong việc mua sắm, hạn chế sử dụng những thứ không cần thiết. Thay vi sử dụng bao ni lông như một thói quen, hãy sử dụng các bao bì bằng vật liệu thân thiện hơn với môi trường. Hãy sử dụng các vật liệu có thể tái được, sau khi sử dụng, thu gom và có thể bán lại cho các hộ mua thu phế liệu. Càng ít rác thải chúng ta  càng giúp cho môi trường Việt Nam ngày càng được cải thiện.
Phân loại rác thải sinh hoạt
Để góp phần bảo vệ môi trường, điều cần thiết là bạn cần phân loại rác như thế nào cho đúng cách để chắc chắn rằng các loại rác thải được phân ra đúng loại. Để làm được điều này, bạn cần biết chất thải nào tái chế được và không tái chế được. Khi đã thực hiện được tốt việc phân loại rác thải, không chỉ mang ý nghĩa cải thiện về mặt môi trường và còn mang ý nghĩa kinh tế. Xử lý rác thải trong gia đình hiệu quả sẽ giúp môi trường sống trở nên tốt hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thực được việc này. Vì vậy để nâng cao nhận thức của mỗi các nhân, tổ chức trong việc giảm thiểu và phân loại rác thải sinh hoạt, các cơ quản lý nên có những chính sách tuyên truyền, vận động cho người dân thực hiện. Mặc dù Luật bảo vệ môi trường 2015 ra đời cũng đã phần nào cải thiện đáng kể tình hình rác thải của nước ta, nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Nên có những chính sách pháp luật nghiêm khắc hơn về môi trường, đặc biệt là trong lĩnh vực rác thải sinh hoạt.
Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước nên có những chính sách quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn trong vấn đề xử thu gom xử lý rác thải sinh hoạt.