Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

[QUY CHUẨN XÂY DỰNG MỚI NHÀ Ở ĐÔ THỊ] – Hiệu lực từ 03-04-2008

* Đất ở phải rộng 36-45m2 tùy thuộc chiều rộng lộ giới
Bộ Xây dựng đã ban hành qui chuẩn xây dựng mới (có hiệu lực kể từ ngày 3-4-2008) để thay thế một số nội dung của qui chuẩn xây dựng cũ ban hành từ năm 1996.
Trước đó, bộ này đã ban hành tiêu chuẩn xây dựng dành cho nhà ở liên kế, giúp UBND TP.HCM có cơ sở ban hành quyết định 135 (ngày 8-12-2007) qui định về kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu.

* Đất ở phải rộng tối thiểu 36m2
Lô đất xây dựng nhà ở phải đảm bảo yêu cầu về diện tích và kích thước tối thiểu phù hợp với các giải pháp tổ chức không gian.
Tại các khu qui hoạch xây dựng mới: khi tiếp giáp với đường phố có lộ giới > 20m, lô đất xây dựng nhà ở gia đình phải > 45m2 (có chiều rộng và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng > 5m). Khi tiếp giáp với đường phố có lộ giới < 20m, lô đất xây dựng nhà ở gia đình phải > 36m2 (có chiều rộng và chiều sâu > 4m).

Tại các khu đô thị hiện hữu: lô đất đủ chuẩn phải có diện tích không nhỏ hơn 36m2 (có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu không nhỏ hơn 3m).
Đối với những diện tích không đủ chuẩn nằm mặt tiền đường, nếu dưới 15m2 hoặc có chiều rộng hay chiều sâu nhỏ hơn 3m thì chỉ được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng, không được xây dựng mới. Nếu diện tích từ 15m2 đến dưới 36m2 (rộng, sâu > 3m), được phép cải tạo, sửa chữa theo qui mô số tầng hiện hữu hoặc xây dựng mới tối đa hai tầng (có thể bố trí tầng lửng tại trệt và mái che cầu thang tại sân thượng), chiều cao không quá 13,4m.

Trường hợp đất nằm trong hẻm, nếu diện tích dưới 15m2 thì chỉ được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng, không được xây dựng mới (khi có chiều rộng hay chiều sâu nhỏ hơn 3m) hoặc được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng hay xây dựng mới qui mô một tầng, chiều cao không quá 8,8m (khi rộng, sâu > 3m).

Nếu diện tích từ 15m2 đến dưới 36m2, người dân được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng (nếu có chiều rộng, sâu nhỏ hơn 2m); được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng hoặc xây dựng mới tối đa hai tầng (nếu rộng, sâu từ 2m đến dưới 3m); được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng hoặc xây dựng mới tối đa ba tầng (nếu rộng, sâu từ 3 m trở lên).

* Số tầng phụ thuộc vào chiều rộng lộ giới
Từ nay, người dân có thể tự xác định nhà mình được xây tối đa bao nhiêu tầng, hạn chế việc xin-cho. Cụ thể, nhà liên kế có mặt tiền xây dựng giáp lộ giới, số tầng và chiều cao phụ thuộc vào chiều rộng lộ giới đường.

Trong trường hợp chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ sẽ có những phần nhà được phép xây sát chỉ giới đường đỏ.
– Trong khoảng không từ mặt vỉa hè lên tới độ cao 3,5m, mọi bộ phận của nhà đều không được nhô quá chỉ giới đường đỏ, trừ các trường hợp dưới đây:
+ Đường ống đứng thoát nước mưa ở mặt ngoài nhà: được phép vượt qua đường đỏ không quá 0,2m và phải đảm bảo mỹ quan;
+ Từ độ cao 1m (tính từ mặt vỉa hè) trở lên, các bậu cửa, gờ chỉ, bộ phận trang trí được phép vượt đường đỏ không quá 0,2m.
– Trong khoảng không từ độ cao 3,5m (so với mặt vỉa hè) trở lên, các bộ phận cố định của nhà (ôvăng, sênô, bancông, mái đua…, trừ mái đón, mái hè) được vượt quá chỉ giới đường đỏ theo những điều kiện sau:
+ Độ vươn ra (đo từ chỉ giới đường đỏ tới mép ngoài cùng của phần nhô ra), tùy thuộc chiều rộng lộ giới, không được lớn hơn giới hạn được quy định, đồng thời phải nhỏ hơn chiều rộng vỉa hè ít nhất 1m, phải đảm bảo các quy định về an toàn lưới điện và tuân thủ quy định về quản lý xây dựng áp dụng cụ thể cho khu vực;
+ Vị trí độ cao và độ vươn ra cụ thể của ban công phải thống nhất hoặc tạo được nhịp điệu trong hình thức công trình kiến trúc, tạo được không gian kiến trúc cảnh quan trong từng cụm nhà cũng như trong tổng thể toàn khu vực.
+ Trên phần nhô ra chỉ được làm ban công, không được che chắn tạo thành lô-gia hay buồng.

* Quan hệ với các công trình bên cạnh
– Không bộ phận nào của ngôi nhà, kể cả thiết bị, đường ống, phần ngầm dưới đất (móng, đường ống) được vượt quá ranh giới với lô đất bên cạnh;
– Không được xả nước mưa, nước thải các loại (kể cả nước ngưng tụ của máy lạnh), khí bụi, khí thải sang nhà bên cạnh.

Các yêu cầu kỹ thuật khác cũng phải tuân theo những tiêu chí quy định:
– Miệng xả ống khói, ống thông hơi không được hướng ra đường phố.
– Máy điều hòa nhiệt độ không khí nếu đặt ở mặt tiền, sát chỉ giới đường đỏ phải ở độ cao trên 2,7m và không được xả nước ngưng trực tiếp lên mặt hè, đường phố.
– Biển quảng cáo đặt ở mặt tiền ngôi nhà không được sử dụng các vật liệu có độ phản quang lớn hơn 70%.
– Ở mặt tiền các ngôi nhà dọc các đường phố không được bố trí sân phơi quần áo.
– Hàng rào phải có hình thức kiến trúc thoáng, mỹ quan và thống nhất theo quy định của từng khu vực, trừ những trường hợp có nhu cầu bảo vệ, ngăn cách với đường phố (cơ quan cần bảo vệ, trường học, trạm biến thế điện…).
Riêng đối với màu sắc công trình, mặt ngoài nhà (mặt tiền, mặt bên) không sử dụng các màu nóng (đỏ, đen), màu chói (vàng, cam) trên toàn bộ mặt tiền nhà. Không sử dụng gạch lát màu tối, có độ bóng cao để phủ trên toàn bộ mặt tiền nhà.

QUY CHUẨN MỚI VỀ NGHĨA TRANG

Công trình nghĩa trang: Cần đồng bộ hệ thống xử lý chất thải

Đã từ lâu, các công trình xây dựng trong khu nghĩa trang chưa nhận được mối quan tâm đặc biệt của người dân cũng như chính quyền các cấp. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật công trình nghĩa trang (QCVN 07-10:2016/BXD).

Xử lý chất thải được ưu tiên hàng đầu
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội hiện có 7 nghĩa trang gồm: Văn Điển, Yên Kỳ - Vĩnh Hằng, Mai Dịch, Thanh Tước, Sài Đồng, nghĩa trang liệt sỹ Nhổn và Ngọc Hồi nhưng các nghĩa trang này đều trong tình trạng quá tải. Nghĩa trang Văn Điển rộng 18ha nhưng đã ngừng nhận hung táng từ tháng 10/2010. Nghĩa trang Yên Kỳ - Vĩnh Hằng (Ba Vì) rộng khoảng 36ha, tuy nhiên theo Ban Lễ tang TP, nghĩa trang này chỉ đáp ứng được nhu cầu đến năm 2015. Nghĩa trang Mai Dịch rộng 5,9ha, chỉ phục vụ cán bộ trung, cao cấp và liệt sĩ, hiện chỉ còn vài trăm vị trí. Nghĩa trang Thanh Tước 7,4ha cũng đã hết chỗ. Tình trạng quá tải tại các nghĩa trang cũng dẫn đến nhiều hệ lụy như nguồn nước thải, ô nhiễm không khí, mỹ quan đô thị...
Chính vì vậy việc thu gom và xử lý rác thải được Quy chuẩn nêu rõ: Trong nghĩa trang phải đặt các thùng rác công cộng, điểm tập kết chất thải rắn phát sinh. Chất thải rắn phải được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý đảm bảo môi trường; Các chất thải có liên quan đến người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm phải được xử lý theo quy định của Bộ Y tế về xử lý chất thải y tế lây nhiễm.
Ngoài ra, nghĩa trang phải có hệ thống thoát nước riêng cho nước mặt, nước thải, nước thấm từ huyệt mộ. Hệ thống thoát nước phải tính đến điều kiện biến đổi khí hậu (thường xuyên bị ngập lụt, triều cường, nước biển dâng). Nếu cấu tạo địa chất không bảo đảm chống thấm nước (hệ số thấm lớn hơn 10-6 cm/s và chiều dày lớp đất chống thấm nhỏ hơn 5m) thì phải có hệ thống thu gom nước thấm từ các mộ hung táng để xử lý tập trung hợp vệ sinh, trước khi thải xả ra môi trường. Vị trí khu xử lý nước thải của khu mộ hung táng phải đặt ở hạ lưu nguồn tiếp nhận nước thải, nơi có địa hình thấp nhất của nghĩa trang. Nước thải từ nghĩa trang phải được thu gom, xử lý đạt QCVN 28:2010/BTNMT trước khi xả thải ra hệ thống tiếp nhận nguồn thải.
Theo đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, Một số TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng quy hoạch nghĩa trang tại các tỉnh, thành chưa được chú trọng, đặc biệt là công nghệ táng. Hầu hết các nghĩa trang đều không đạt chuẩn, không có hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom và xử lý nước thấm, hàm lượng các chất độc hại có trong nước mặt và nước ngầm cao gấp nhiều lần cho phép. Đặc biệt, nhiều nghĩa trang tại Hà Nội bất cập về tổ chức không gian và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, do nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Dự thảo Quy chuẩn về các công trình nghĩa trang được xây dựng nhằm cụ thể hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với các công trình xử lý chất thải tại các nghĩa trang. Mặt khác, dự thảo Quy chuẩn cũng quy định về kiến trúc cảnh quan môi trường, nghĩa trang được chia thành các khu/lô mộ.
Quy định rõ tỷ lệ sử dụng đất
Hình thức hỏa táng không còn mới lạ ở Việt Nam nhưng tại nhiều đô thị lớn, tình trạng lộn xộn trong việc xây dựng các công trình phụ trợ chưa được đồng bộ. Theo đó, Quy chuẩn quy định khu chức năng gồm: văn phòng làm việc, phòng khách, kho, khu vệ sinh, phòng chờ, khu tổ chức tang lễ, phòng lạnh bảo quản thi hài; lò hỏa táng, và nơi lưu tro cốt. Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật gồm hàng rào, cổng, đường, sân, bãi đỗ xe, chếu sáng, tiểu cảnh, mặt nước…
Về tỷ lệ sử dụng đất (tính trên tổng diện tích đất) cơ sở hỏa táng đã quy định rõ: Khu văn phòng 10%; Khu lễ tang và hỏa táng (hành lang, phòng chờ, khu tổ chức tang lễ, phòng lạnh bảo quản thi hài, khu lò hỏa táng, nơi để tro cốt sau hỏa táng) 30%; Nhà lưu tro cốt (lâu dài) 25%. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật tối thiểu 35%, trong đó diện tích cây xanh tối thiểu 20%, giao thông tối thiểu 10%.
Vấn đề xử lý chất thải rắn cũng như xử lý nước thải cũng được quy định rõ: Tro xỉ, bụi, bùn thải và các chất thải rắn khác phát sinh từ quá trình vận hành lò hỏa táng phải được phân loại theo quy định tại QCVN 07:2009/BTNMT để có biện pháp quản lý phù hợp theo quy định. Chất thải rắn phải được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Hệ thống thoát nước mặt, nước thải phải được thu gom, xử lý đạt yêu cầu của QCVN 14:2008/BTNMT trước khi xả thải ra hệ thống tiếp nhận nguồn thải. Bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải phải được phân định theo QCVN 50:2013/BTNMT và thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.
Công trình và hạng mục công trình nhà tang lễ, nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phải được định kỳ bảo trì, bảo dưỡng nhằm đảm bảo chức năng sử dụng theo thiết kế.
                                                                            Thành Luân

Tư Vấn Kiến Trúc Xây Dựng

Thiết kế đô thị – một lĩnh vực động và linh hoạt. Nó không giống như thiết kế cơ khí hay những hạng mục công trình xây dựng để có thể dễ dàng chuẩn hóa, nó rất đa dạng và khác nhau, tùy thuộc vào từng nơi chốn với những không gian cụ thể và tại các vùng miền khác nhau. Sự khác nhau còn là nhân tố khuyến khích để tạo nên những đô thị có bản sắc. Nếu có thêm các tiêu chuẩn quy phạm hay hướng dẫn thiết kế cũng chỉ nên là những yêu cầu cơ bản và dừng lại ở những nguyên tắc chung”.
quy-chuan-trong-quy-hoach-thiet-ke-do-thi-hien-nay
Thiết kế đô thị khu công viên Marina Bay Sands, Singapore

Thực trạng quy hoạch thiết kế đô thị

Ngay sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, công cuộc xây dựng trên khắp các đô thị ở nước ta có cơ hội được phát triển với một tốc độ nhanh, quy mô rộng lớn và khá toàn diện trên hầu hết các khía cạnh của không gian đô thị. Một số năm sau đó, vẫn chưa thấy đô thị của chúng ta đẹp hơn mặc dù sự “thay da đổi thịt” là có, từ các khu đô thị mới đến các khu phố cũ cũng đều được chỉnh trang hoàn thiện…
Trước vấn đề này, nhiều hội thảo về thiết kế đô thị đã được mở ra. Có ý kiến cho rằng, chúng ta đã một thời hiểu không đúng về thiết kế đô thị, xem thiết kế chi tiết của đồ án quy hoạch là bước cuối cùng để hình thành việc thực thi mọi yếu tố kỹ thuật và cảnh quan đô thị. Đây là những ý kiến có những phát hiện đúng.
Thiết kế đô thị là một lĩnh vực chuyên sâu. Nó cần được xác định một cách chủ động ngay từ bước ý tưởng quy hoạch chung của đồ án quy hoạch. Không thể chỉ là sự định hướng bằng những chi tiết thiết kế điển hình của bước quy hoạch chi tiết. Đây phải là bước cụ thể hóa một cách toàn diện từ các vấn đề của không gian tổng thể, của hệ thống hạ tầng đô thị đến các chi tiết của cảnh quan đô thị. Đây là bước phải hình thành đầy đủ một hệ thống hồ sơ, đáp ứng một trình tự kế hoạch xây dựng và dự toán chi tiết của khu vực thiết kế.
Sự đồng thuận về nhận thức, trong sự thiếu hụt và kém sâu sắc về thiết kế đô thị, từng bước đã đưa các vấn đề chuyên môn này, vào Luật Quy hoạch đô thị, vào Quy chuẩn quy hoạch xây dựng, vào các Nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn về thiết kế đô thị của Bộ Xây dựng. Như vậy có thể thấy rằng, về khung pháp lý, thiết kế đô thị đã được chỉ rõ để giới chuyên môn, các nhà quản lý có căn cứ để vận dụng thi hành.
Chúng ta đều biết rằng, thiết kế đô thị không thuần túy chỉ là những gì mà người ta nhìn thấy hàng ngày. Nếu được xem xét một cách bài bản, thiết kế đô thị còn được bắt nguồn từ những luận cứ vĩ mô và sâu xa như kinh tế đô thị, xã hội học đô thị… Song cái kết quả cuối cùng của thiết kế đô thị lại chính là cái mà người ta cảm thụ được, nó hiện hữu hàng ngày trong môi trường sống của đô thị. Nó tác động vào con người trong mọi khoảng không gian và thời gian, chính vì vậy nó là vấn đề hết sức nhạy cảm. Đâu có những con đường trải dài nối tiếp nhau, cả khi thay chiều đổi hướng, với những hàng cây thảm cỏ được chăm chút, chọn lựa kỹ càng. Gạch lát vỉa hè bằng phẳng với những hàng gạch đồng nhất thẳng tắp, lâu lâu lại thấy một nắp hố ga ép mặt ngay ngắn trên mặt vỉa hè. Lại thấy một thùng rác được bố trí tiện dụng đúng chỗ, lại thấy những biển báo, ký hiệu thông tin hướng dẫn cho người đi bộ, và còn những chiếc ghế cho những người già mỏi chân ngồi nghỉ… Chỉ đi trên vỉa hè của những con đường này thôi đã cho người ta cảm nhận ấn tượng về nơi chốn, con người cảm thấy được nâng niu, chăm sóc và trân trọng.
Trong các đô thị của chúng ta, những điều này còn hiếm lắm, hầu hết là hình ảnh của sự vội vàng cho xong, đôi khi còn là sự cẩu thả vô trách nhiệm, phi chuyên môn nghề nghiệp. Và chính chúng đã là nguyên nhân gây nên những tai nạn trên đường đối với cư dân đô thị. Đâu có những quảng trường rộng rãi, với cảnh quan tất cả các góc nhìn đều hấp dẫn, với các công trình điểm nhấn, bố trí xung quanh đều thỏa đáng, đứng ở bất cứ vị trí nào, chỉ cần đưa ống kính lên là có ngay một bức ảnh ưng ý. Chỉ cần nhìn thoáng qua không gian quảng trường, đã có thể hiểu ngay ý đồ của nhà thiết kế, biết rằng họ đã dự tính cho nơi đây những hoạt động của cộng đồng như thế nào, trong các khoảng thời gian trong ngày và hàng tuần, cũng như trong các dịp lễ hội cần thiết. Những điều này, trong các đô thị của chúng ta, cũng còn hiếm lắm, nó dường như là một sự xa xỉ nên rất ít được quan tâm.
Một số khu vực có quảng trường, nhưng nó giống như một khoảng đất kẹt trong phần lưu không của đô thị. Quảng trường phải là một mạng lưới phân bố chủ động trong quy hoạch chung của không gian đô thị. Nó là một khoảng nghỉ, để điều tiết chuyển hóa không gian, làm cho “bản nhạc đô thị” được sinh động và hấp dẫn. “Bản nhạc đô thị” không có các quảng trường khác gì chỉ là một giai điệu buồn tẻ và nhàm chán.
Hình ảnh trong các đô thị của chúng ta, cho thấy công tác quản lý thiết kế đô thị còn rất nhiều bất cập. Hầu hết hình ảnh các tuyến phố, kể cả khu phố cũ và mới, kiến trúc mặt phố giống như một cuộc đại triển lãm về đồ họa quảng cáo. Không còn thấy đâu là kiến trúc, nói gì đến ngôn ngữ kiến trúc và bản sắc địa phương. Phố còn như vậy, nói gì đến kiến trúc ven hồ nước và các dòng kênh trong đô thị. Làm sao để có được những bờ kè được chăm chút ngay ngắn, với những ta luy cỏ mượt mà đẹp mắt. Tất cả những tiểu kiến trúc, những chi tiết kiến trúc ở nơi đây, phải có bàn tay và tâm hồn của các kiến trúc sư chuyên nghiệp. Để kè hồ, kè kênh không chỉ là chức năng thủy lợi. Để cây cầu qua kênh, qua sông không chỉ là chức năng giao thông, để chân cầu, mố cầu không chỉ là bệ đỡ của nhịp cầu, không phải là điểm hẹn để đổ rác xung quanh, phải là những thiết kế có tính thẩm mỹ, có giá trị văn hóa nghệ thuật, thơ mộng và là điểm hẹn của tình yêu.
Có rất nhiều những tồn tại trong thiết kế và quản lý đô thị của chúng ta không thể kể hết được. Đó chính là nguyên nhân mà đa số người dân không thấy đô thị của chúng ta đẹp là như vậy. Câu chuyện về những tồn tại này không chỉ là những vấn đề trong hệ thống các văn bản pháp quy về thiết kế đô thị, mà còn do tính hệ thống của nhiều nguyên nhân sâu xa khác, cần được phân tích lý giải.

Quy chuẩn trong quy hoạch và thiết kế đô thị hiện nay

Khi bàn về những bất cập như đã nói trên, có nhà chuyên môn cho rằng, Nhà nước cần phải ban hành đầy đủ hơn về các văn bản quy phạm và tiêu chuẩn thiết kế đô thị. Song, tôi cho rằng, cái gốc của vấn đề không phải là sự thiếu hụt các văn bản hướng dẫn. Chúng ta đều biết rằng, thiết kế đô thị là một lĩnh vực động và linh hoạt, nó không giống như thiết kế cơ khí hay những hạng mục công trình xây dựng để có thể dễ dàng chuẩn hóa. Nó rất đa dạng và khác nhau, tùy thuộc vào từng nơi chốn với những không gian cụ thể và tại các vùng miền khác nhau. Sự khác nhau còn là nhân tố khuyến khích để tạo nên những đô thị có bản sắc. Nếu có thêm các tiêu chuẩn quy phạm, hướng dẫn thiết kế thì cũng chỉ nên là những yêu cầu cơ bản và dừng lại ở những nguyên tắc chung mà thôi.
Trong Thông tư “Hướng dẫn về nội dung thiết kế đô thị – số 06/2013/TT-BXD – ngày 13/5/2013” của Bộ Xây Dựng – là một hướng dẫn khá đầy đủ và rõ ràng. Từ “yêu cầu chung về thiết kế đô thị”, từ “thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chung”, “thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chi tiết” đến “thiết kế đô thị trong đồ án thiết kế đô thị riêng”. Đây là một thông tư với những nội dung hướng dẫn rất mở, không có gì là ràng buộc, làm khó cho các nhà chuyên môn. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của những người trong cuộc.
Trong Quy hoạch xây dựng nói chung, không riêng gì ở Việt Nam mà ở đâu cũng vậy, đều phải trải qua các giai đoạn, các bước thiết kế, từ tổng thể đến chi tiết, từ định hướng đến cụ thể hóa. Đây là một nguyên tắc kinh điển trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng. Với chuỗi hệ thống các bước công việc này sẽ dẫn đến kết quả cuối cùng là chất lượng của thiết kế đô thị. Bởi tính dây chuyền của hệ thống thiết kế – Bước sau là sự kế thừa các nghiên cứu của bước trước. Chính vì vậy, nên chất lượng nghiên cứu của các bước đều cần được đầu tư chuyên môn một cách thỏa đáng. Tránh tình trạng khi bước sau phát hiện ra những sai lầm của bước trước (ở Việt Nam) cũng không dễ dàng được thay đổi, bởi đồ án quy hoạch ở bước trước trở thành pháp lý.
Kinh nghiệm thực tế về công tác quy hoạch xây dựng trong giai đoạn vừa qua, có một số vấn đề cần được trao đổi như sau:
– Chính quyền ở một số địa phương, đôi khi còn quá cứng nhắc, khi có những kiến nghị điều chỉnh quy hoạch (tất nhiên, phải là những kiến nghị đúng đắn về học thuật, mang lại lợi ích cho xã hội đô thị). Chúng ta đều biết, quy hoạch là một phạm trù động, tầm nhìn ở mỗi một thời điểm có thể có những nhận thức khác nhau. Nên cần có trách nhiệm xem xét một cách cẩn trọng;
– Rất nhiều các đồ án quy hoạch chung còn chưa thỏa mãn được đầy đủ các yêu cầu tự thực hiện. Cho dù là bước tổng thể, song cũng rất cần một sự đầu tư nghiên cứu kỹ càng và có chiều sâu. Ngay từ bước đầu này, đã cần một đội ngũ chuyên gia giỏi về các lĩnh vực chuyên môn, đặc biệt rất cần sự tham gia của các kiến trúc sư giỏi về thiết kế công trình đối với các đồ án quy hoạch chung;
– Do đặc thù của các bước thẩm duyệt sản phẩm của đồ án quy hoạch. Bước sau thường được thực hiện bởi các cá nhân và tổ chức tư vấn khác, nên đôi khi cũng không hiểu hết được ý đồ của nhà tư vấn trước. Trong giai đoạn vừa qua, rất nhiều địa phương chuộng tư vấn nước ngoài làm quy hoạch, mặc dù họ không phải là những người hiểu Việt Nam và địa phương lắm. Họ thường thuê các tổ chức tư vấn của Việt Nam triển khai tiếp phần thiết kế ý tưởng (concept) mà họ đã được chính quyền địa phương phê duyệt. Là người làm thuê lại, nên các tư vấn Việt Nam cũng chỉ triển khai một cách thụ động tất cả những gì mà đồ án ý tưởng đã nêu. Chính vì vậy thiếu chiều sâu và dù là tư vấn nước ngoài thiết kế, song cũng không mấy thành công;
– Cần khuyến khích và coi trọng các dự án quy hoạch, tất cả các bước nghiên cứu, từ bước ý tưởng ban đầu, đến bước khả thi cuối cùng của dự án là cùng một tác giả, để đề cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm tính chuyên sâu và đồng nhất về phong cách. Đối với các dự án có quy mô lớn, được triển khai bởi nhiều tổ chức tư vấn, song vai trò của tổ chức tư vấn có đồ án ý tưởng được phê duyệt phải có trách nhiệm đến cùng trong quá trình triển khai các bước tiếp theo. Trên thực tế, các cơ quan quản lý của chính quyền địa phương cũng không thể làm tốt sự kết nối này được. Chỉ có tác giả của nó mới giữ được cái hồn của dự án;
– Trong một giới hạn không gian đô thị nào cũng vậy, đều có 2 loại đất: đất có chủ (đối tượng sử dụng đất này thuộc về chủ đất) và đất thuộc về cộng đồng. Nếu không có một nhận thức đúng đắn và tinh thần trách nhiệm vì tương lai của đô thị, 2 loại đất này thường rơi vào 2 tình trạng như sau: trong phạm vi đất có chủ, thường là hình ảnh thực dụng và ích kỷ, kém về kết nối với môi trường xung quanh. Trong phạm vi đất thuộc về cộng đồng, thường là hình ảnh sơ sài và thiếu chu đáo kỹ càng, có thể dễ dàng nhận thấy, các sản phẩn đô thị trong phạm vi đất này, kinh phí dành cho nó đã không được dự trù và đầu tư một cách thỏa đáng. Do vậy, với cả 2 tình trạng này làm sao đô thị của chúng ta đẹp được;
Trong đô thị của chúng ta hiện nay (như Hà Nội), cụ thể là câu chuyện về những ngôi nhà xấu, ngôi nhà siêu mỏng – là hệ lụy của việc mở đường qua các khu dân cư. Các dự án này, hầu như chỉ mới làm được một việc là có con đường giao thông, còn hình ảnh về kiến trúc hai bên của tuyến đường này như thế nào, xử lý những ngôi nhà siêu mỏng ra sao thì vẫn chưa được quan tâm giải quyết. Tất nhiên, không phải không có cách giải quyết. Rõ ràng cần nhìn nhận đúng đắn cũng như cách làm mang tính khoa học của những người trong cuộc của dự án này. Họ thi hành công vụ làm đường như một cái máy, không hề có sự rung động gì về thiết kế đô thị;
– Trong các cơ sở đào tạo, chương trình giảng dạy chuyên sâu về thiết kế đô thị cũng chưa được quan tâm một cách thấu đáo. Phần lớn các môn học và các đồ án trải nghiệm với sinh viên mới chỉ đạt tới ngưỡng của những khái niệm. Trong khi, thiết kế đô thị lại là một phạm trù vừa cần có một tầm nhìn chiến lược, lại vừa phải rất cụ thể đến từng viên gạch của hệ đường đô thị. Vậy làm sao đây! Khi đội ngũ những con người này là lực lượng cốt lõi để tạo nên hình ảnh đô thị của chúng ta. Kinh phí dành cho những chuyến trải nghiệm, học hỏi kinh nghiệm trong các đô thị ở nước ngoài, cũng không đến lượt những người hàng ngày phải trực tiếp làm tư vấn thiết kế, hay trực tiếp thụ lý hồ sơ thẩm duyệt. Phần lớn dành cho chuyến đi của các lãnh đạo – những người không trực tiếp với những công việc này! kết quả là, cảm xúc và kiến thức của người được trải nghiệm, không thể chuyển hóa được vào trong các đồ án quy hoạch đô thị của chúng ta.
quy-chuan-trong-quy-hoach-thiet-ke-do-thi-hien-nay
 Không gian quảng trường và trung tâm dịch vụ khu ĐTM Time City, Hà Nội

Thiết kế đô thị giữa những công trình kiến trúc

Trong không gian đô thị, cái mà người ta nhìn thấy, quan sát thấy sẽ vô cùng lớn, lớn hơn rất nhiều trong một giới hạn không gian mà con người có thể tiếp cận được, di chuyển được bằng chính sự vận động của cơ thể mình. Song, khái niệm về tiếp cận chính là bao hàm cả những cảm nhận của con người thông qua thị giác. Chính vì vậy, cảnh quan đô thị xấu hay đẹp, cảm xúc hay không đã bao trùm lên tất cả trong ý thức của cư dân đô thị hay du khách viếng thăm. Điều này cho thấy, người ta có thể nhận biết được kết quả của thiết kế đô thị mọi lúc, mọi nơi và đồng thời từ các chi tiết kiến trúc nhỏ, đến tất cả các phương chiều của không gian đô thị đó, có chăng chỉ còn bị giới hạn bởi bên trong – nội thất của những ngôi nhà có chủ.
Trong cuốn sách nổi tiếng của tác giả JAN GEHL “Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc”, cho thấy cư dân đô thị, cuộc sống hạnh phúc của họ không chỉ giới hạn trong ngôi nhà riêng, mà còn chính là khoảng không gian công cộng bên ngoài, giữa những công trình kiến trúc. Bao gồm cả ba loại hoạt động: hoạt động thiết yếu, hoạt động tự chọn và những hoạt động xã hội. Tất cả các hoạt động này kết hợp với nhau để tạo thành các không gian cộng đồng ở thành phố, các khu dân cư đầy ý nghĩa và có sức hấp dẫn. Đối với thói quen sống mở của người Việt Nam, vấn đề này càng trở nên thiết thực và có ý nghĩa quan trọng. Trên các mặt phố của đô thị, không chỉ có các hoạt động xã hội, mà kể cả những sinh hoạt riêng hàng ngày đều dễ dàng phô bày trên đường phố. Nhiều du khách và học giả nước ngoài cho rằng đây cũng là nét hay, đặc sắc và thú vị khi họ cùng được trải nghiệm, hòa nhập vào cuộc sống đời thường của cư dân bản địa và cuộc sống giữa những công trình kiến trúc. Tôi lấy vấn đề này để đặt tên tiêu mục “thiết kế đô thị giữa những công trình” với mong muốn rằng, chúng ta hãy coi trọng và đầu tư thích đáng cho thiết kế đô thị.
Thiết kế đô thị ở nước ta còn chưa có bề dày kinh nghiệm, nên người làm cần giữ tâm và trách nhiệm nghề cao. Từ quy hoạch chính sách chiến lược, từ ý tưởng thiết kế quy hoạch chung đến việc triển khai từng chi tiết nhỏ của đô thị. Từ công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác tư vấn thiết kế, công tác quản lý, thẩm tra phê duyệt và điều hành triển khai thực hiện dự án đến việc xây dựng thi công của các nhà thầu, tất cả đều phải được nghiêm túc thực hiện trong một khung pháp lý đầy đủ, chặt chẽ và chuyên nghiệp. Sự tác thành nên một không gian đô thị là một quá trình, với sự tham gia của rất nhhiều yếu tố con người với nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Nếu có sự sai lầm thì hậu quả của nó là khôn lường và không dễ dàng sửa chữa.
Không ở đâu hình ảnh đô thị lại giống như ở đất nước chúng ta. Sản phẩm đô thị là kết quả của nơi gặp gỡ giữa tư duy của những tư vấn nghiệp dư được thực hiện bởi bàn tay của những nhà thầu chưa chuyên nghiệp. Có thể nói, bất cứ một người công nhân xây dựng nào (thậm chí là nông dân xây dựng) cũng có thể được điều đến để hoàn thiện các sản phẩm của hè đường đô thị. Đa số các nhà thầu còn quan niệm quá dễ dãi, họ cho rằng, những tiểu kiến trúc trên các đường phố là những công việc nhỏ, đơn giản. Nhưng họ không biết rằng, đây lại là những công việc rất tinh tế và nhạy cảm, rất cần thực hiện bởi những người công nhân có kỹ năng và có mắt thẩm mỹ. Chính vì quan niệm thiếu trách nhiệm như vậy nên hầu như chúng ta không có những cơ sở đào tạo tay nghề chuyên sâu cho các loại hình công việc xây dựng trên các hè phố. Tuy chỉ là những bó vỉa bờ hè đường phố, là những viền bờ hàng cây, bồn hoa, bậc cấp, đường dốc lên xuống… tất cả đều tưởng chừng như đơn giản, nhưng không hề dễ chút nào! Nếu vẫn còn cách tư duy, đây là những khối lượng công việc thuộc về “nước sông công lính” thì không thể chấp nhận được, ứng xử như vậy là không có văn hóa.
Trên các tuyến đường, hè phố, rất phổ biến trong các đô thị ở ta, công tác hoàn thiện vừa mới làm xong, lại thấy bật lên đào bới để bổ sung, chỉnh trang, nâng cấp một hệ thống kỹ thuật hạ tầng nào đó. Không rõ công tác kế hoạch, quản lý, phối hợp liên ngành của chính quyền địa phương như thế nào, song hiện tượng này là thường xuyên và khá phổ biến. Đây là những việc làm tùy tiện, gây rất nhiều trở ngại cho cư dân đô thị. Đã như thế lại còn không thể chấp nhận được khi dễ dàng nhận thấy dấu vết của từng đợt thi công này. Đợt làm sau không bao giờ có ý thức hoàn trả lại hè, đường phố như hình ảnh ban đầu của nó. Kết quả là, hình ảnh của những hè đường phố chắp vá, không nhất quán dẫn đến xập xệ, hư hỏng, bong lở, chất liệu hàn gắn tùy tiện. Đây là một cách ứng xử thiếu văn hóa một cách tồi tệ. Trong khi chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ở nước ngoài, chỉ thay thế vài ba viên gạch lát hè đường, người ta đã phải quây diện tích hè đó lại, có biển báo công trường và xin lỗi đã làm phiền cộng đồng, có những người công nhân ăn mặc bảo hộ lao động với những dụng cụ chuyên nghiệp, một cách nhanh chóng thay thế và hoàn trả lại hình ảnh ban đầu, không phân biệt được đâu là mới, đâu là cũ.
Cũng không ở đâu như đô thị ở Việt Nam chúng ta (đặc biệt ở Hà Nội). Một hiện tượng khó có thể chấp nhận được: Hè đường phố vừa mới hoàn thiện xong, chỉ vài ba ngày sau, trước cửa các ngôi nhà mặt phố, hàng loạt các mặt vát nghiêng nối từ mặt đường lên hè đủ các kiểu cách khác nhau, tùy tiện tạo dựng để dễ dàng cho xe lên xuống. Hiện tượng này là tự ý của người dân nhưng không mấy ai nhắc nhở ngăn cấm. Với hình ảnh nham nhở, lủng củng như vậy, đường phố làm sao đẹp được, mặt khác chức năng chênh cao độ giữa hè và đường còn là nơi thoát nước, dẫn vào các hố ga. Chính những việc làm này đã làm cho nước bị ứ đọng, rác bẩn gây mất vệ sinh công cộng. Đây là hình ảnh hiện tại có thể thấy ở bất cứ đường phố nào có dân cư ở Thủ đô Hà Nội.
Trên các hè phố, sự lủng củng cao thấp, thò thụt của các bậc cấp lên xuống trước cửa các nhà dân mặt phố cũng cho thấy sự thiếu quản lý, thiếu thẩm mỹ một cách tệ hại. Điều này ở phố cổ trước đây thời Pháp thuộc không có, còn nay phổ biến ở các khu phố mới. Nguyên nhân do khi cấp phép xây dựng đã không quản lý tốt về cốt nền đô thị, các nhà dân tự ý xác định nền nhà của mình, đề phòng Nhà nước làm đường nâng cốt, những dự phòng khác nhau của người dân đã dẫn đến thảm cảnh này. Mặc dù đây là hiện tượng vi phạm Quy chuẩn xây dựng Việt Nam nhưng chính quyền địa phương trước sau cũng phải bàn với người dân để cải tạo xử lý hiện tượng này.

Kết luận

Ngày nay, cùng với việc hoàn thiện các vấn đề Quy chuẩn Tiêu chuẩn cũng như trong thiết kế quy hoạch xây dựng, xu hướng phát triển đô thị khuyến khích nhiều tới sự tham gia của cộng đồng, có như vậy mới hướng tới được đô thị bền vững. Trong thiết kế đô thị, thi công xây dựng đô thị, với việc gìn giữ tài sản vật chất và tinh thần của đô thị, không thể như những hiện tượng nghịch lý đã nêu ở trên đây.
Một đô thị văn minh và thân thiện là trách nhiệm của tất cả chúng ta, phải là truyền thống của hôm nay và mãi mãi về sau. Cư dân đô thị có thể tự hào về thành phố của mình, khi họ biết chắc chắn trong con mắt của du khách đã cảm nhận được rằng, người dân ở địa phương đã biết ứng xử đầy trách nhiệm với thành phố của mình./.
Nguồn Tạp chí kiến trúc Việt Nam

quy chuẩn kỹ thuật về chiếu sáng đô thị

GIS+Plan 4.0: ĐỒNG BỘ HÓA CAD-GIS TRONG QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

A. Lược sử:

Giải pháp tự động hóa thiết kế quy hoạch bắt đầu được GISPlan TechLab phát triển từ 2013, hiện đang trong chu kỳ nâng cấp lần thứ 3:
  • 1.0: Công cụ hỗ trợ thể hiện quy hoạch sử dụng đất trên ArcGIS và AutoCAD Map. Tính toán thông số quy hoạch bán tự động trên Access.
  • 2.0: Hầu hết các bộ môn quy hoạch được tự động hóa tính toán bằng lập trình trên Python và VBA theo các phương pháp gần đúng (vẫn đang được áp dụng phổ biến hiện nay). Các bộ môn được hỗ trợ tính toán toàn bộ gồm: quy hoạch sử dụng đất, giao thông, san nền, điện, cấp thoát nước. Các bộ môn được hỗ trợ một phần gồm: TKĐT, ĐMC, thông tin liên lạc.
  • 3.0: Việc tính toán san nền, điện, cấp thoát nước tiếp tục được nâng cấp tính toán chính xác hơn, bám sát các công thức lý thuyết trong tiêu chuẩn và quy chuẩn hiện hành, và được đồng bộ hóa hoàn toàn với quy hoạch sử dụng đất. Rất nhiều công cụ tự động hóa hữu ích được bổ sung, ví dụ như: tự động thiết kế mặt bằng giao thông với đường đỏ, vỉa hè, chỉ giới với các thông số bán kính cong, góc vát... theo quy phạm; hỗ trợ thiết kế phân lô...
  • 4.0: Tiếp tục nâng cấp quy hoạch san nền và giao thông sát cấp độ dự án hơn. Mềm dẻo hóa các công cụ tính toán. Đặc biệt, có bổ sung bộ công cụ hỗ trợ tự động hoá thể hiện quy hoạch được đồng bộ trên cả 2 nền tảng GIS- CAD. Đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu tính toán thiết kế và thể hiện quy hoạch.

B. Tự động hóa thể hiện quy hoạch- nâng cấp vượt trội của phiên bản 4.0

Kết quả:
  • Thể hiện quy hoạch trên GIS tương đồng 95% với 21/2005/QĐ-BXD. Vẽ và nhập liệu đến đâu, thể hiện lập tức được hiển thị tương ứng trong thời gian thực về cả ký hiệu và ghi chú chi tiết, chú giải ký hiệu... Bản vẽ màu trên GIS có thể đáp ứng tốt trong các giai đoạn báo cáo phương án.
  • Bộ công cụ tự động xuất bản từ GIS sang CAD bất kỳ tỉ lệ nào; và sẽ chỉ mất khoảng dưới 10 phút cho 1 bản vẽ quy hoạch bất kể quy mô; đúng với 21/2005/QĐ-BXD có lẽ đến 98%;với toàn bộ hình vẽ, ghi chú chi tiết, ký hiệu chung...; chưa kể tới các hỗ trợ khác như phân mảnh bản đồ, đồng bộ các thành phần của khung tên...
Thành quả trên đạt được, là tổng hợp kết quả của quá trình R&D nhiều bước sau:
  • Thiết kế cơ sở dữ liệu quy hoạch đồng bộ (nghiên cứu cốt lõi) với việc mã hóa trên 1000 loại đối tượng hình học, và trên 2500 thuộc tính đính kèm.
  • Thiết kế bộ biểu tượng quy hoạch trên GIS với định dạng vector image chất lượng cao.
  • Chuẩn hóa bản vẽ mẫu theo 21/2005/QĐ-BXD về lớp, kiểu nét, block kèm attribute...có xét đến khả năng được xuất bản từ GIS. Việc đặt tên lớp và block (hơn 800 tên), được mã hóa rất ngắn gọn thành cụm cơ bản 4 ký tự, nhưng rất dễ nhớ và dễ đoán.
  • Nghiên cứu giải pháp, lập trình tự động hóa xuất bản từ GIS sang CAD, đề xuất quy trình xử lý hậu kỳ phù hợp công nghệ hiện hành: ArcGIS, AutoCADMap. Đáng chú ý, giải pháp này là tương đối triệt để, có thể ứng dụng cho mọi bộ môn liên quan đến bản đồ khác, mà cộng đồng GIS thế giới hiện vẫn chưa có giải pháp tương đương thực sự hữu hiệu.
Lợi ích hệ quả: Bản vẽ CAD theo chuẩn này cũng rất dễ dàng có thể được chuyển ngược vào GIS với đầy đủ thông tin và thể hiện.

C. Đưa vào ứng dụng

Module Thể hiện quy hoạch của GIS+ Plan 4.0 sẽ được bắt đầu đưa vào ứng dụng thực tế để kiểm nghiệm và hiệu chỉnh trong tháng 6/2016 tại quyhoach.vn. Việc nâng cấp các module còn lại sẽ được tiến hành dự kiến đến hết Q3/2016.
Khả năng thương mại hóa Module Thể hiện quy hoạch cũng đang được GISPlan TechLab xem xét trong tương lai gần.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của các thành viên quyhoach.vn trong quá trình phát triển GIS+Plan./.

GISPlan TechLab

CẤP ĐIỆN: MẠNG LƯỚI YẾU LƯỢC

THỰC HÀNH TÍNH MẠNG ĐIỆN ĐÔ THỊ
 
1. SƠ ĐỒ ĐIỂN HÌNH CỦA MẠNG ĐIỆN ĐÔ THỊ
Hộ tiêu thụ << Dây hạ áp- HA (0.38kV) << Biến áp phân phối- PP (22/0.4kV) << Dây trung áp- TA (22kV) << Biến áp khu vực- KV (110/22kV) (hoặc Biến áp trung gian- TG: 35/22kV).

2. THIẾT KẾ MẠNG ĐIỆN
Bố trí KV: cố gắng ở trung tâm khu vực cần cấp điện, nhưng ít ảnh hưởng đến khu vực dân dụng.
Bố trí PP: bán kính phục vụ (đường chim bay) khoảng 250m đối với khu vực hệ số sử dụng đất cao, 500m đối với khu vực hệ số sử dụng đất trung bình, có thể lớn hơn với khu vực hệ số sử dụng đất thấp.
Bố trí HA: Từ tất cả các đường quy hoạch (kể cả ngõ) về PP, theo sơ đồ xương cá. (Chỉ áp dụng với QHCT, QHPK.)
Bố trí TA: Từ tất cả các PP về KV, theo sơ đồ xương cá.
Chú ý:
  • Quan tâm đến phân loại hộ tiêu thụ khi thiết kế mạng HA và TA: xem mục I.2.25- I.2.28 của 11 TCN-18-2006.
  • Chọn tối đa 2 loại tiết diện cho dây trên không, và 1 loại tiết diện cho dây ngầm đối với lộ dây trục.
3. PHÂN VÙNG PHỤC VỤ- PVPV CỦA ĐỐI TƯỢNG TÍNH TOÁN- ĐTTT (HA, PP, HAY TA)
PVPV của một ĐTTT là toàn bộ diện tích mà ĐTTT đó sẽ cấp điện. Nguyên lý xác định ranh giới PVPV: kết hợp các yếu tố sau để đảm bảo việc cấp điện thuận tiện nhất:
  • Ranh giới tự nhiên: núi, sông…
  • Khoảng cách gần nhất từ hộ tiêu thụ đến ĐTTT.
  • Ranh giới quy hoạch: giao thông...
  • Đặc điểm kết nối của mạng điện.
4. TÍNH CÔNG SUẤT TIÊU THỤ BẰNG KVA CHO MỖI ĐTTT
Từ quy hoạch sử dụng đất, xác định công suất tiêu thụ thành phần Stp cho từng loại đất trong mỗi PVPV:
[Stp (kVA)]= [Khối_lượng_tiêu_thụ (người| hộ| học sinh| giường| m2 đất| m2 sàn)] *
[Chỉ_tiêu_tiêu_thụ (W/ đơn vị của Khối_lượng_tiêu_thụ)] * [Hệ_số_sử_dụng] / [CosPhi] / 1000. Trong đó:
  • Khối lượng tiêu thụ: được "bóc" từ quy hoạch sử dụng đất.
  • Chỉ tiêu tiêu thụ: xem mục 7.3 của QCVN:01/2008/BXD.
  • Hệ số sử dụng: xem mục I.2.49 và I.2.50 của 11 TCN-18-2006.
  • CosPhi= 0.85
Công suất tiêu thụ của ĐTTT Stt chính là tổng các công suất tiêu thụ thành phần Stp trong PVPV.
Riêng trường hợp ĐTTT= TA: [Stt] = [Stt cũ, đã tính ở trên] * [Hệ_số_đồng_thời]. Hệ số đồng thời này được lấy theo mục I.2.51 của 11 TCN-18-2006.
Chú ý: Khi lập quy hoạch chung, rất khó cân đối công suất tiêu thụ tính theo hệ số sử dụng đất với dự báo tiêu thụ của các công trình công cộng, dịch vụ thương mại và chiếu sáng (theo phần trăm nhu cầu của đất ở theo mục 7.3 của QCVN:01/2008/BXD). Bạn phải thực sự có kinh nghiệm để giải quyết vấn đề này.

5. CHỌN MÁY BIẾN ÁP
Nếu ĐTTT = PP, tùy Stt sẽ chọn công suất máy phù hợp theo tổ hợp các module sau (kVA): 50, 75, 100, 160, 180, 250, 320, 400, 500, 560, 630, 750, 800, 1000, 1250, 1500, 1600, 1800, 2000, 2500.

6. CHỌN DÂY ĐIỆN
Tính từng dây điện theo trình tự sau: từ điểm tiêu thụ đến điểm cấp điện. Cách tính một dây như sau:
a. Cường độ dòng lý thuyết
[Itt (A)]= [Stt (kVA)] / 1.73205 / [U (kV)]
Nếu ĐTTT=HA: U= 0.38; nếu ĐTTT= TA: U=22
b. Cường độ dòng thực tế
[Itt2 (A)]= [Itt (A)] / [K1] / [K2]
K1: hệ số điều chỉnh theo nhiệt độ môi trường, từ môi trường tiêu chuẩn 25oC trong không khí: tra bảng I.3.30 của 11TCN-18-2006. Bạn có thể tham khảo bản đồ nhiệt trung bình toàn Việt Nam được cung cấp ở cuối bài.
K2: hệ số điều chỉnh theo số lộ dây trong trường hợp đi ngầm cùng rãnh. K2 được lấy theo bảng I.3.22 của 11 TCN-18-2006. Trong trường hợp khác, K2=1.
c. Tính tiết diện dây theo mật độ dòng điện kinh tế
[Ftt (mm2)] = [Itt2 (A)] / [Jkt (A/mm2)]
Jkt phụ thuộc vật liệu dây và số giờ sử dụng phụ tải cực đại- SGSDPTCĐ (h), chọn theo mục I.3.3 của 11 TCN-11-2006. Kinh nghiệm: nếu là đô thị: SGSDPTCĐ<=3000; nếu là công nghiệp 2 ca: 3000<SGSDPTCĐ<5000; nếu là công nghiệp 3 ca: SGSDPTCĐ>=5000.
d. Chọn dây điện
Chọn tiết diện dây điện TA thì phải đảm bảo đồng thời:
  • [Fc (mm2)] >= Ftt
  • [Icp (A)] >= Itt2
Trường hợp chọn dây HA thì chỉ cần điều kiện thứ 2.
Nếu không có tài liệu của nhà sản xuất, bạn có thể chọn dây theo các bảng từ I.3.3 đến I.3.21 của 11 TCN-18-2006. Chú ý: chọn rất cẩn thận.
Khi có dây trung hòa, tiết diện dây trung hòa sẽ [Fth]>=50% * [Fc]. Ví dụ: Fc là 185mm2 thì tiết diện dây trung hòa là 95mm2, và thiết kế dây là 3x185+95.
e. Kiểm tra tổn thất
e1. Tính điện trở
[R (ôm/km)]= [r (ôm*mm2/km)] / [Fc]
r (điện trở suất): là 31.5 đối với dây nhôm, và 18.8 đối với dây đồng.
e2. Tính tổn thất điện áp cục bộ trên từng đoạn dây[Tổn_thất (V)] = [Stt (kVA)] * ([Chiều_dài_dây (m)] / 1000) * ([R (ôm/km)] * 0.85 + [(ôm/km)] * 0.527) / [U (kV)]
  • 0.85: CosPhi
  • 0.527: SinPhi
  • X: điện kháng, có thể tra tại đây (link)
[Phần_trăm_tổn_thất_cục_bộ (%)] =100 * [Tổn_thất (V)] / [U (kV)] * 1000
e3. Kiểm tra tỉ lệ tổn thất tại các điểm cuối của mạng cấp điệnTỉ lệ tổn thất tại mỗi điểm cuối: là cộng dồn của các tỉ lệ Phần_trăm_tổn_thất_cục_bộ từ dây cuối mạng đến dây đầu tiên nối với biến áp gốc (là PP nếu dây là HA, là KV nếu dây là TA). Nếu tỉ lệ tổn thất của điểm cuối quá 5% thì phải chọn tăng một vài tiết diện dây trên tuyến để giảm tỉ lệ này về dưới 5%.

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn step-by-step để bạn có thể tính toán "thủ công" các thành phần của mạng điện đô thị. Cách tính cũng có thể vận dụng gần tương tự để tính mạng chiếu sáng.

Chúc các bạn thực hành thành công./.

Từ viết tắt chính: HA- dây hạ áp, PP- biến áp phân phối, TA- dây trung áp, KV- biến áp khu vực, PVPV- phân vùng phục vụ, ĐTTT- đối tượng tính toán, SGSDPTCĐ- số giờ sử dụng phụ tải cực đại.

Tài liệu tham khảo:
- 11 TCN-18-2006: Quy phạm trang bị điện.
- QCVN: 01/2008/BXD: Quy chuẩn về Quy hoạch xây dựng.
- Mạng điện thành phố. Vương Song Hỷ. 1991. NXB Xây dựng.


P/s: Trong bài viết trên, các bước thủ công mất nhiều thời gian nhất lần lượt sẽ là 4, 6e3 và 6d. Rất dễ thì chỉ còn cách tự động hoá, sẽ được quyhoach.vn giới thiệu bài khác.


THỰC TRẠNG RÁC THẢI SINH HOẠT TẠI VIỆT NAM

Sự phát triển kinh tế cùng với sự gia tăng dân số không ngừng đã khiến cho rác thải sinh hoạt tại Việt Nam tăng không ngừng so với các nước trên thế giới. Đời sống con người ngày càng được nâng cao, không chỉ gia tăng về số lượng mà thành phần rác thải sinh hoạt cũng tăng theo, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Chất thải rắn sinh hoạt là chất thải phát sinh từ hoạt động ăn uống, sinh hoạt..thường ngày của con người. Về cơ bản, thành phần của chất thải rắn sinh hoạt bao gồm các chất vô cơ (thủy tinh, kim loại, giấy, cao su…) và các chất hữu cơ (thực phẩm thừa, xác động thực vật,..) và các chất khác. Hiện nay, túi nilong đang nổi lên như một vấn đề đo ngại trong quản lý chất thải rắn do thói quen sinh hoạt của người dân.

Tình hình phát sinh chất thải rắn sinh hoạt

Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 – 2015, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong giai đoạn 2011 – 2015 tiếp tục gia tăng và có xu hướng tăng nhanh so với giai đoạn 2005 – 2010. Theo số liệu thống kê được trong các năm 2007 đến 2010, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị  phát sinh trên toàn quốc là 17.682 tấn/ngày (năm 2007), 26.224 tấn/ngày (năm 2010), tăng trung bình 10% mỗi năm. Đến năm 2014, khối lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 32.000 tấn/ngày. Chỉ tính riêng tại Hà Nội và TP.HCM, khối lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh là 6.420 tấn/ngày và 6.739 tấn/ngày. Theo tính toán mức gia tăng của giai đoạn từ 2010 – 2014 đạt trung bình 12% mỗi năm.




CTR sinh hoạt đô thị phát sinh chủ yếu từ các hộ gia đình, các khu vực công cộng (đường phố, chợ, các trung tâm thương mại, văn phòng, các cơ sở nghiên cứu, trường học…). CTR sinh hoạt đô thị có tỷ lệ hữu cơ vào khoảng 54 – 77%, chất thải có thể tái chế (thành phần nhựa và kim loại) chiếm khoảng 8  – 18%.

Thực trạng thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam

Phương pháp xử lý chất thải rắn chính hiện nay của nước ta là chôn lấp, với kỹ thuật đơn giản. Thực tế cho thấy, các phương pháp xử lý rác thải tại nước ngoài áp dụng cho nước ta đều không hiệu quả do đặc thù rác thải chưa được phân loại tại nguồn. Hiện nay lượng rác ở đô thị được đưa đến bãi chôn lấp tập trung chỉ chiếm 60 – 65% , lượng rác còn  lại được vứt ở ao hồ, kênh rạch, ven đường.
Thực tế, tình hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt có nhiều bước tiến, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của CTR sinh hoạt.

Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt khu vực nội thành của TP.HCM đạt tỷ lệ 100% (trong đó tỷ lệ trực tiếp từ các hộ dân trong nội thành khoảng 95%, khoảng 5% còn lại các hộ dân không chuyển giao trực tiếp mà để rác dọc theo tuyến đường, các thùng rác công cộng, vớt rác trên kênh. Còn lại khu vực ngoại thành, tỷ lệ thu gom trực tiếp từ các họ dân khoảng 70 – 80%, do khu vực ngoại thành còn nhiều đất trống như ao, vườn, nên một bộ phận không nhỏ người dân khu vực ngoại thành tự xử lý hoặc vứt ra đất trống. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn còn thấp, trung bình đạt 40-55% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Tại các đô thị, việc thu gom rác thải sinh hoạt thường do Công ty môi trường đô thị thực hiện.

Phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay gồm chôn lấp, sản xuất phân hữu cơ và đốt.

Cả nước hiện có gần 100 bãi chôn lấp chất thải rắn, tuy nhiên chỉ có 20 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh có thể gây ra ô nhiễm môi trường đất, không khí và đặc biệt là nước thải rỉ rác từ các bãi chôn lấp. Trong khi ở các nước tiên tiến, với công nghệ kỹ thuật hiện đại, họ xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách ủ phân compost, không chỉ giải quyết được vấn đề rác thải mà còn đem lại lợi ích kinh tế. Hiện  nay, việc khống chế mùi hôi tại các bãi chôn lấp được thực hiện bằng việc phun các chế phẩm sinh học và được thực hiện thủ công, điều này có thể gây nguy hiểm cho công nhân.
Bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt
Ở nước ta, phương pháp đốt thường được ứng dụng trong xử lý rác thải nguy hại, chủ yếu là chất thải y tế.  CTR sinh hoạt thường chứa độ ẩm cao do đó phương pháp đốt không hiệu quả. Mặt khác, việc đầu tư một lò đốt công nghiệp thường yêu cầu kinh phí khá lớn. Công nghệ đốt nếu vận hành không đúng kỹ thuật sẽ sinh ra các chất làm ô nhiễm không khí, do đó cũng cần có hệ thống xử lý khí thải khi áp dụng phương pháp đột.
Phương pháp sản xuất phân hữu không phổ biến và chỉ giải quyết được một lượng nhỏ rác thải sinh hoạt. Việc đầu tư dây chuyền công nghệ để sản xuất phân hữu cơ cũng khá tốn kém. Mặt khác, việc sử dụng phân hữu cơ trong nông nghiệp chưa được phổ biến rộng rãi, vì thế nguồn cung không lớn. Nếu phân hữu cơ không có ưu điểm vượt trội thì rất khó cạnh tranh với các loại phân bón truyền thống.
Trước tình hình này, vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp là một nhiệm vụ quan trọng đối với các nhà khoa học, các cấp chính quyền. Làm thế nào để lựa chọn được phương pháp xử lý phù hợp với tính chất rác thải cũng như điều kiện kinh tế nước ta đang là một câu hỏi khó.

Quản lý và thu gom chất thải rắn ở một số nước tiên tiến

Ở nhiều quốc gia Châu Âu và một số nước tiên tiến Châu Á đã quản lý chất thải rắn thông qua hoạt động phân loại nguồn, mang lại hiệu quả xử lý cao, đem lại lợi ích cao về kinh tế và môi trường. Tại các nước như Đan Mạch, Anh, Hà Lan, Đức… việc phân loại rác thải tại nguồn được quản lý chặt chẽ và nền nếp.
Đối với các chất rắn tái chế được như thủy tinh, giấy, bao bì hộp…được thu gom vào các thùng chứa riêng biệt. Với các thải hữu cơ như thực phẩm thừa, rau củ…được phân loại trong những túi hoặc thùng riêng biệt để đưa đến các nhà máy sản xuất phân compost. Thông thường, rác thải từng loại được chứa trong các thùng riêng biệt với màu sắc khác nhau để dễ phân biệt. Đơn cử như Singapore là đô thị hóa 100% và là đô thị sạch nhất trên thế giới. Để có được như vậy, chính phủ nước này đã quản lý chặt chẽ công tác thu gom và xử lý chất thải rắn, ban hành pháp luật nghiêm khắc làm tiền đề cho quá trình xử lý tốt hơn. Nhìn chung, chiến lược xử lý CTR sinh hoạt của các nước tiên tiến là hạn chế chôn lấp, xử lý theo hướng tái chế, tái sử dụng, tiết kiệm năng lượng, phát triển công nghiệp tái chế chất thải.

Xử lý rác thải trong gia đình

Cách tốt nhất để xử lý rác thải là hạn chế việc xả rác. Chúng ta hãy hạn chế trong việc mua sắm, hạn chế sử dụng những thứ không cần thiết. Thay vi sử dụng bao ni lông như một thói quen, hãy sử dụng các bao bì bằng vật liệu thân thiện hơn với môi trường. Hãy sử dụng các vật liệu có thể tái được, sau khi sử dụng, thu gom và có thể bán lại cho các hộ mua thu phế liệu. Càng ít rác thải chúng ta  càng giúp cho môi trường Việt Nam ngày càng được cải thiện.
Phân loại rác thải sinh hoạt
Để góp phần bảo vệ môi trường, điều cần thiết là bạn cần phân loại rác như thế nào cho đúng cách để chắc chắn rằng các loại rác thải được phân ra đúng loại. Để làm được điều này, bạn cần biết chất thải nào tái chế được và không tái chế được. Khi đã thực hiện được tốt việc phân loại rác thải, không chỉ mang ý nghĩa cải thiện về mặt môi trường và còn mang ý nghĩa kinh tế. Xử lý rác thải trong gia đình hiệu quả sẽ giúp môi trường sống trở nên tốt hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thực được việc này. Vì vậy để nâng cao nhận thức của mỗi các nhân, tổ chức trong việc giảm thiểu và phân loại rác thải sinh hoạt, các cơ quản lý nên có những chính sách tuyên truyền, vận động cho người dân thực hiện. Mặc dù Luật bảo vệ môi trường 2015 ra đời cũng đã phần nào cải thiện đáng kể tình hình rác thải của nước ta, nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Nên có những chính sách pháp luật nghiêm khắc hơn về môi trường, đặc biệt là trong lĩnh vực rác thải sinh hoạt.
Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước nên có những chính sách quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn trong vấn đề xử thu gom xử lý rác thải sinh hoạt.

Hướng dẫn phân loại và thu gom rác thải y tế

Việc thực hành phân loại rác thải y tế đúng đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác quản lý chất thải y tế, góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại đúng còn góp phần giảm thiểu số lượng chất thải y tế nguy hại phải tiêu hủy, xử lý.

Các nguyên tắc cơ bản của phân loại chất thải y tế

Chất thải rắn y tế nếu không được phân loại, thu gom, quản lý và xử lý tốt sẽ là nguồn lây lan bệnh tật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Việc phát sinh các loại chất thải rắn y tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy trình quản lý, loại hình cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa, tỷ lệ các vật tư tái sử dụng được dùng trong hoạt động của bệnh viện và tỷ lệ bệnh nhân được chăm sóc và điều trị tại cơ sở trong ngày.

Việc phân loại chất thải y tế dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản sau:

 1. Chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh;

2. Từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào trong bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định tại Điều 5 Thông tư 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT. Trường hợp các chất thải y tế nguy hại không có khả năng phản ứng, tương tác với nhau và áp dụng cùng một phương pháp xử lý có thể được phân loại chung vào cùng một bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa;

 3. Khi chất thải lây nhiễm để lẫn với chất thải khác hoặc ngược lại thì hỗn hợp chất thải đó phải được thu gom, lưu giữ và xử lý như chất thải lây nhiễm.
Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định hướng dẫn phân loại và quy định về mã màu sắc, biểu tượng đối với các loại chất thải y tế như sau:

Phan loai rac thai y te tai benh vien 
Bảng hướng dẫn phân loại rác thải tại một bệnh viện tại Hà Nội (click để xem ảnh lớn)

Cách phân loại các chất thải trong bệnh viện

Chất thải tại cơ sở y tế& bệnh viện được chia làm 5 loại khác nhau như: 1.  chất thải thông thường, 2. chất thải y tế, 3. chất thải hóa học, 4. chất thải phóng xạ và 5. các vật chứa có áp suất.

1. Chất thải thông thường

Là các loại rác thải sinh hoạt phát sinh thong thường bao gồm các hộp các tông, giấy, thức ăn, chai nhựa, lọ thủy tinh.

2. Chất thải y tế có 5 nhóm gồm:

2. 1. Chất thải gây lây nhiễm
Nhóm chất thải gây lây nhiễm gồm băng gạc bẩn, bông, đồ băng bó, quần áo, găng tay, gạc, tất cả các vật tư hay thiết bị tiếp xúc với máu và chất thải của người bệnh
2. 2. Các vật sắc nhọn
Nhóm các vật sắc nhọn gồm xy ranh, kim tiêm, dao mổ, kéo mổ, thủy tinh vỡ, ống hút, lưỡi dao và các vật dụng khác có đầu nhọn hoặc cạnh sắc hay vật dụng dễ vỡ trong quá trình vận chuyển và tạo thành đầu nhọn, cạnh sắc hoặc đã qua sử dụng nhưng chúng có thể cắt hoặc đâm thủng.
2. 3. Chất thải y tế từ phòng thí nghiệm
Nhóm chất thải y tế từ phòng thí nghiệm gồm găng tay, ống nghiệm, các vật cấy, cất giữ các chất gây bệnh, túi máu và các chất thải khác từ phòng thí nghiệm để nghiên cứu bệnh tật, huyết học, truyền máu, vi sinh học, nghiên cứu mô học
2.4. Chất thải dược phẩm
Chất thải dược phẩm gồm thuốc quá hạn sử dụng hoàn trả lại, thuốc phòng bệnh, thuốc bị đổ hoặc hư hỏng hay phải bỏ đi vì không cần giữ các chất trị xạ.
2.5. Chất thải bệnh phẩm.
Chất thải bệnh phẩm gồm mô người có thể bị nhiễm bệnh hay không nhiễm bệnh, nội tạng, các chi, các bộ phận cơ thể người, nhau thai và các thi thể người, xác động vật và mô động vật phòng thí nghiệm…

3. Chất thải hóa học:

Rác thải hóa học từ nhiều nguồn, chủ yếu từ hoạt động xét nghiệm, chẩn đoán bao gồm:
  • Chất thải không độc hại
  • Chất đường, amino axit
  • Các loại muối vô cơ,  hữu cơ
  • Các chất độc hại như formaldehyde
  • Các hóa chất trong định hình, dung môi, trichlore ethylene.
  • Hóa chất vô cơ, hữu cơ.

4. Chất thải phóng xạ

Rác thải có hoạt độ riêng như các chất phóng xạ, chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động chẩn đoán, hoá trị liệu và nghiên cứu hoặc các chất thải từ mẫu bệnh phẩm có chứa phóng xạ. Có 3 thể đó là:
  • Rác thải phóng xạ rắn: vật liệu sử dụng trong xét nghiệm chẩn đoán như ống tiêm, bơm tiêm, giấy thấm…
  • Rác thải phóng xạ lỏng: dung dịch chứa nhân tố phóng xạ để điều trị, chất bài tiết.
  • Rác thải phóng xạ khí: khí dùng trong lâm sàng, khí từ kho chứa chất phóng xạ.
5. Các vật chứa có áp suất
Bình chứa khí có áp suất như bình CO2, O2, Gas, bình khí dung, bình khí dùng 1 lần, xy ranh khí nén, can nước … các bình này dễ gây cháy nổ, khi xử lý cần phân loại riêng.

Quy định việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải y tế

Theo quy định về nguyên tắc chung, việc phân loại rác thải y tế phải được thực hiện càng gần nơi thải ra càng tốt. Các chất thải y tế độc hại không được để lẫn với các chất thải thông thường.
Các túi và vật chứa để thu gom chất thải y tế được quy định màu vàng cho các nhóm thuộc chất thải y tế, màu xanh cho chất thải thông thường và màu đen cho chất thải hóa chất, các chất phóng xạ và trị xạ.

Các túi thu gom rác theo quy định tiêu chuẩn là loại nhựa polyethylene và polyprepylene, dung tích tối đa 0,1 m2 và phải được đánh dấu ở mức đầy là 2/3 của túi.


Các dụng cụ chứa chất thải sắc, nhọn theo tiêu chuẩn quy định là phải được làm từ vật liệu rắn, có thể tiêu hủy bằng đốt. Các dụng cụ chứa loại chất thải này phải có dung tích phù hợp cho nhiều loại chất thải sắc, nhọn khác nhau và phải có tay cầm, nắp đậy. Thùng đựng rác loại này phải có màu vàng và có vạch ngang đánh dấu mức 2/3.

Tiêu chuẩn đối với dụng cụ chứa chất thải là vật chứa chất thải phải được làm từ polyethylene và có nắp. Nếu dụng cụ chứa to thì phải có bánh xe đẩy. Dụng cụ chứa phải cùng màu với túi đựng và phải được đánh dấu ở mức 2/3.

Việc thu gom chất thải phải gọn gàng từ nơi thải ra đến nơi chứa. Các chất thải y tế phải được đựng trong túi nhựa có màu theo quy định và phải được buộc chặt lại.
Nơi chứa chất thải tại các cơ sở y tế phải cách xa an toàn nơi chứa thức ăn hoặc khu vực nấu ăn, phải được khóa để tránh những người không có nhiệm vụ tùy tiện ra vào, phải có thiết bị lau rửa, quần áo bảo hộ và các túi rác hoặc thùng chứa phải được bố trí ở nơi thuận tiện; phải có lối đi cho xe thu gom rác vào được dễ dàng và phải gần nguồn nước để vệ sinh. Tất cả các chất thải chứa trong đó phải xa ánh sáng mặt trời và các chất thải độc hại phải được tách riêng khỏi chất thải thông thường.

Trong các bệnh viện, chất thải được thải ra hàng ngày và thời gian lưu giữ chất thải độc hại là 48 giờ. Đối với các cơ sở y tế nhỏ, thời gian lưu giữ các chất thải nhóm chất thải gây lây nhiễm, các vật sắc nhọn, chất thải y tế từ phòng thí nghiệm và chất thải dược phẩm không được quá 1 tuần; riêng chất thải nhóm chất thải bệnh phẩm thì phải được đốt hoặc chôn ngay.

Việc vận chuyển chất thải y tế ra ngoài cơ sở y tế bắt buộc các cơ sở y tế phải ký hợp đồng dịch vụ vận chuyển và xử lý rác thải y tế được các cấp chính quyền địa phương phê duyệt đủ tiêu chuẩn để vận chuyển chất thải y tế ra ngoài cơ sở y tế và cần có biên lai xác nhận việc thực hiện từng đợt.

Đối với công nghệ xử lý và tiêu hủy chất thải, các cơ sở y tế trong thành phố cần có một trung tâm lò đốt ở trong khu vực đó. Các đơn vị y tế trong các thị trấn cần có một lò đốt cho một cụm các cơ sở hoặc mỗi cơ sở có một lò đốt. Biện pháp chôn lấp chỉ nên áp dụng cho các cơ sở y tế không có lò đốt rác. Chất thải phải được chôn tại đúng nơi quy định và phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường cho phép.

Bước xử lý ban đầu gồm đun sôi, khử hóa chất và biện pháp dùng nhiệt độ sấy khô hoặc ướt chỉ được áp dụng cho chất thải nhóm chất thải y tế từ phòng thí nghiệm và các vật liệu, thiết bị dùng để chữa trị cho bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS, giang mai hoặc bệnh lao.

Quy đinh về màu sắc thùng đựng rác thải y tế

– Màu Vàng hoặc tông màu vàng: Chất thải lây nhiễm.
– Màu Đen: Chất thải hóa học nguy hại gây độc tế bào hoặc chất thải phóng xạ.
– Màu Xanh hoặc tông màu xanh: Chất thải thông thường.
– Màu Trắng hoặc tông màu trắng: Chất thải có khả năng tái chế.

Phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt

Việc thực hành phân loại rác thải đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý chất, góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại đúng còn góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải.

1. Phân loại rác tại nguồn

1.1. Phương pháp phân loại rác tại nguồn

Rác thải sinh hoạt trước khi được đưa đi xử lý, cần được phân loại ngay tại hộ gia đình.
Cách nhận biết như sau:
– Rác hữu cơ dễ phân hủy: là các loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên sinh ra mùi hôi thối như: các loại thức ăn thừa, hư hỏng (rau, cá chết…), vỏ trái cây,….
– Rác thải khó phân hủy được chia làm 2 loại đó là rác tái chế và không tái chế. Rác tái chế là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp hoặc chế biến lại như: giấy, bìa các tông, kim loại (khung sắt, máy tàu hỏng, nhôm…), các loại nhựa (vỏ chai, đồ nhựa gia dụng)…. Còn lại các loại rác không tái chế là phần thải bỏ.
phân loại rác
Bảng hướng dẫn phân loại rác tại nguồn

1.2. Vì sao phải phân loại rác tại nguồn

– Phân loại rác tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên; mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến;
– Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu ô nhiễm;
– Phân loại rác tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường;
– Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

2. Phương pháp thu gom rác thải

– Thu gom rác hữu cơ dễ phân hủy:
Thu gom riêng vào vật dụng chứa rác để tận dụng làm phân compost (tại gia đình hoặc đưa đến nhà máy xử lý chế biến tập trung thành phân compost).
– Thu gom rác khó phân hủy
+ Thu gom rác tái chế: Rác tái chế được tách riêng và đựng trong túi nilon hoặc túi vải để bán lại cho cơ sở tái chế.
+ Thu gom rác không tái chế: Các thành phần rác không có khả năng tái chế sẽ được thu gom, đựng trong dụng cụ chứa rác tại gia đình và đưa đến điểm tập kết để xe chuyên dụng đến vận chuyển đưa đi xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung theo quy định.
Dụng cụ chứa rác là các thùng rác chuyên dùng hoặc tận dụng các vật dụng có sẵn ở gia đình như thúng, sọt, bao tải, túi nilon,….
phân loại 60 lít
Thùng rác thu gom và phân loại rác thải tại nguồn.
thung-rac-treo-doi-80-li phân loại rác
Thùng phân loại rác tại nơi công cộng
Xem đầy đủ các loại thùng đựng rác

3. Các phương pháp xử lý rác thải

+ Chôn lấp hợp vệ sinh:
Rác thải được rải thành từng lớp, đầm nén để giảm thể tích và phủ đất lên (phun hóa chất để tăng hiệu quả xử lý và hạn chế côn trùng) với sơ đồ quy trình như sau:
 Sơ đồ phân loại rácSơ đồ phân loại rác
Bãi chôn lấp hợp vệ sinh có lắp đặt hệ thống thu khí, hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác.
Đây công nghệ đơn giản và chi phí thấp, phù hợp với các nước nghèo và đang phát triển nhưng tốn diện tích đất rất lớn.
+ Thiêu đốt:
Quá trình dùng nhiệt độ cao (1.000-1.100C) để phân hủy rác. Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là làm giảm đáng kể thể tích chất thải phải chôn lấp (xỉ, tro). Tuy nhiên, chi phí đầu tư, vận hành nhà máy đốt rác khá cao, phù hợp với các nước tiên tiến, phát triển.
Các nước phát triển còn sử dụng nhà máy đốt rác để phát điện, biến rác thành nhiên liệu có ích. Một số tỉnh thành ở nước ta đã áp dụng phương pháp đốt nhưng chủ yếu là để xử lý rác thải nguy hại.
+ Chế biến rác thải thành phân compost:
Chế biến rác hữu cơ dễ phân hủy thành phân compost dùng trong nông nghiệp.
• Quy mô chế biến tập trung: Rác được phân loại, rác hữu cơ dễ phân hủy được tách ly, nghiền, ủ hiếu khí để tạo phân vi sinh. Thành lập nhà máy chế biến phân compost cần vốn đầu tư lớn, chi phí vận hành tương đối cao.
• Quy mô hộ gia đình: Rác hữu cơ dễ phân hủy được phân loại riêng và ủ thành phân compost ngay trong sân vườn.
Phân compost là chất mùn ổn định thu được từ quá trình phân hủy các chất hữu cơ, không chứa các mầm bệnh, không lôi kéo các côn trùng, có thể được lưu trữ an toàn và có lợi cho sự phát triển của cây trồng. Phân hữu cơ rất cần cho cây trồng, nó vừa cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, vừa duy trì độ phì cho đất.
Nguồn: Tổng hợp